Ý nghĩa tranh tứ quý bằng gỗ Tùng Cúc Trúc Mai - Đồ gỗ Quy Nhơn

Ý nghĩa tranh tứ quý bằng gỗ Tùng Cúc Trúc Mai

tranh tứ quý

Trong giới đồ mỹ nghệ nói chung và giới chơi phong thủy nói riêng, chắc hẳn không ai còn xa lạ gì với bộ tượng Tứ Linh (Long – Lân – Quy – Phụng). Nhưng bên cạnh dòng tượng Tứ Linh còn có tranh Tứ Quý nữa. Tranh Tứ Quý còn được gọi là bộ tranh Tùng – Cúc – Trúc – Mai với nhiều vẻ đẹp thanh tao đầy thẩm mĩ, cùng vô vàn những ý nghĩa phong thủy tốt đẹp khác. Chính vì thế mà hiện nay, dòng tranh gỗ Tứ Quý này được rất nhiều người ưa chuộng và lựa chọn bài trí trong nhà hoặc nhiều không gian khác.

Như tên gọi đã thể hiện, dòng tranh Tứ Quý chính là những hình ảnh chạm khắc đẹp về bốn loài cây cao quý, vẫn luôn được người đời ngợi ca và trân trọng. Tùng – Cúc – Trúc – Mai là biểu trưng cho nét đẹp bốn mùa trong năm, là đại diện cho hình ảnh người quân tử thanh cao, đầy khí tiết với những vẻ đẹp ngời sáng tâm hồn. Tùng Cúc Trúc Mai trong phong thủy, cũng là những loài cây quý mang biểu trưng cho sự may mắn, phúc lộc, tiền tài, và rất nhiều ý nghĩa tốt đẹp khác nữa.

Tùng là loài cây đặc trưng cho mùa đông lạnh lẽo, lại chuyên sống trên những vùng núi cao khô cằn, nơi mỏm núi heo hút, đất đai thiếu nguồn dinh dưỡng, chênh vênh giữa gió sương đại ngàn. Thế nhưng, Tùng luôn khiến người đời nể phục với sức sống mãnh liệt, vượt mọi khắc nghiệt để vươn lên và xanh tốt. Chính vì thế nên Tùng thường được ví như người quân tử, ví như các bậc trượng phu, luôn luôn tỏa ngời khí chất trong những nghịch cảnh éo le nhất, và luôn thể hiện tiết khí thanh cao khó ai bì kịp.

cây tùng

Ca ngợi vẻ đẹp và sức sống mãnh liệt của Tùng, Nguyễn Trãi đã từng viết:

“Cội rễ buồn, đời chẳng động
Tuyết sương thấy đã đặng nhiều ngày”.

Trong phong thủy, Tùng là biểu trưng cho sức sống bền bỉ, kiên cường, là biểu trưng cho sức kháng cự dẻo dai, trường thọ, biểu trưng cho khí tiết thanh cao tỏa sáng. Hơn thế nữa, Tùng còn là loài cây có khả năng trừ tà, xua đuổi ma quỷ, mang đến sự yên bình và thuận hòa cho cuộc sống thế gian.

 

Cúc là loài hoa đặc trưng của mùa thu, vẻ đẹp của Cúc cũng thuộc loại thanh cao, quý phái. Ngược lại dòng lịch sử về lại thời Tống, Chu Đôn Di đã từng khẳng định rằng “trong các loài hoa, cúc là kẻ ẩn dật, mẫu đơn là kẻ phú quý còn hoa sen là người quân tử.” Vẻ đẹp của Cúc được công nhận và ngợi ca từ chính đặc tính sống của loài hoa này: cho dù có héo tàn cũng không bao giờ rụng bông, bông hoa tàn chỉ gục trên thân cây mà thôi. Đặc điểm này khiến người đời liên tưởng mạnh mẽ tới hình ảnh của những bậc anh hùng hảo hán, những người quân tử thà chết đứng chứ nhất quyết không chết nằm – “Diệp bất chi li – Hoa vô lạc địa”.

cây cúc

Xét về ý nghĩa phong thủy, Cúc là biểu trưng cho sự trường thọ, may mắn và phúc lộc dồi dào. Cúc mang đến những điều bình dị mà an lành cho gia chủ, giúp người chủ cân bằng mọi việc trong cuộc sống và công việc. Cúc cũng là biểu trưng cho sự kiên cường và bản lĩnh – đều là những đức tính quý báu sẽ góp nên thành công trên mọi lĩnh vực cho gia chủ.

 

Trúc là loài cây sống nơi khô cằn, thế nhưng quanh năm đều xanh tốt, thân cây luôn thẳng tắp ngay từ khi còn nhỏ, thậm chí ngay cả khi đốt cháy thân cây vẫn không hề cong gãy. Những đặc điểm này của Trúc có gợi ra trong bạn điều gì không? Đó chính là hình ảnh của những người quân tử, anh hùng hảo hán luôn rèn giũa và tôi luyện bản thân trong những môi trường khắc nghiệt, để tạo nên ý chí và lòng dạ sắt đá.

cây trúc

Biểu tượng của Trúc trong phong thủy cũng tựa như Tùng hoặc Cúc – đều phảng phất những nét cao quý trong khí tiết của bậc thánh nhân quân tử. Trúc mang ý nghĩa kiên cường, mạnh mẽ, mang đến sức sống và sức chịu đựng bền bỉ, để vượt mọi sóng gió trong đời người. Hơn nữa, Trúc còn mang biểu tượng của tài lộc và trường thọ. Chính vì lẽ đó mà loài cây vốn thanh cao này lại càng được trân trọng và đề cao hơn trong mắt mọi người.

 

Mai là loài cây cuối cùng trong bộ tranh Tứ Quý, Mai là biểu trưng của sự thanh khiết cùng với sức sống mãnh liệt. Những mầm Mai vươn mình trong giá rét mùa đông để rồi nở rộ những bông hoa rực rỡ mỗi độ xuân về, chẳng khác nào sự nở rộ của cuộc sống con người. Có lẽ vì thế mà người ta thường chơi Mai dịp tết để cầu mong sự giàu sang, tấn tài tấn lộc, mong sắc thắm của Mai sẽ làm rạng rỡ cả năm mới. Cao Bá Quát đã từng nổi danh với triết lí sống.

“Thập tải luân giao cầu cổ kiếm,
Nhứt sinh đê thủ bái mai hoa.”
(Mười năm bàn đạo giao du, khó như tìm cổ kiếm,
Một đời (ta chỉ) cúi đầu sùng bái hoa mai)

cây mai

Họ Cao ấy một đời tang bồng ngang dọc, chọc trời khuấy nước, không một lần vì công danh mà chịu “khom lưng uốn gối”, ấy thế mà lại vì một loài hoa mà suốt đời trân trọng “cúi đầu” như trong một câu đối nêu trên. Nhưng điều này âu cũng là đúng, bởi Mai là một trong “tuế hàn tam hữu” (ba người bạn trong cơn giá rét) gồm tùng, trúc và mai, tượng trưng cho đức tính cao thượng trong sạch, luôn giữ tròn khí tiết của bậc chính nhân quân tử, theo quan niệm của người xưa. Hình tượng hoa mai đẹp đẽ cao khiết là thế, cho nên khi Cao Bá Quát tâm niệm: “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” có nghĩa là đã chọn cho riêng mình một lẽ sống trọng nghĩa khinh tài, một lý tưởng thiêng liêng cao cả, suốt đời dốc lòng hiến dâng cho cái đẹp, cho điều thiện.

Hơn nữa, Mai còn được xem là tinh hoa của Ngũ Hành, mang công hiệu thần kì trong việc trị bách quỷ, xua đuổi hết những tà ma và vận khí xấu, đem đến cho con người cuộc sống yên ổn, bình an.

tranh tứ quý
Tranh tứ quý tùng cúc truc mai bằng gỗ

Mai mang đến may mắn, tài lộc, mang đến sức sống mãnh liệt cùng với khí chất thanh cao, bản lĩnh cao cường như người quân tử. Loài cây cao quý này, cùng với 3 cây trong bộ Tứ Quý còn lại không chỉ mang đến may mắn, tài lộc, sức khỏe dồi dào, mà còn làm tôn lên khí tiết thanh cao và quý phái của người chủ, thể hiện đẳng cấp đáng ngưỡng mộ của người sở hữu.

Và đặc biệt nữa là, mỗi mùa, mỗi cây trong bộ Tứ Quý đều ứng với một loài chim quý. Mai gắn với loài Khổng Tước, mang đến sự may mắn, bảo vệ cho gia chủ; Tùng gắn với Hạc, vừa mang đến ý nghĩa trường thọ, vừa tôn lên khí tiết thanh cao cùng sự gắn bó vĩnh cửu “Tùng hạc diên niên”; Cúc gắn liền với loài Trĩ, mang ý nghĩa biểu trưng cho sức sống mãnh liệt; còn Trúc luôn gắn với Phượng, biểu trưng cho đức hạnh, duyên dáng, tạo nên sự hòa hợp âm dương, đại diện cho cuộc sống vợ chồng chung thủy, son sắc,…

Như vậy có thể thấy được là bộ tranh Tứ Quý mang đến các lợi ích phong thủy vô cùng to lớn. Không chỉ mang đến may mắn, tài lộc và trường thọ, tranh gỗ Tứ Quý còn làm tôn lên giá trị đẳng cấp và khí chất của người chủ. Nhất là khi kết hợp với các dòng gỗ quý, không chỉ vẻ đẹp mà còn giá trị của tranh cũng được tăng lên gấp bội phần.

 

Tổng hợp

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *